Home » Tổng Hợp - Datxoiche.com » Văn khấn bài cúng lễ Tam Tòa Thánh Mẫu

Văn khấn bài cúng lễ Tam Tòa Thánh Mẫu

Tìm hiểu về Tam tòa thánh mẫu

  • Trong Đạo Mẫu nói chung và ở hầu hết các đền, điện, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ, ta thường thấy có tôn tượng của “Tam Tòa Thánh Mẫu” với sắc áo đỏ, xanh, trắng lần lượt là tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ).Vậy thực chất, Tam Tòa Thánh mẫu là ai? Tam Tòa Thánh Mẫu gồm những ai?
  • Tam Tòa Thánh Mẫu mà ta thường thấy trên các ban thờ gồm 3 ngôi của 3 vị Thánh Mẫu khác nhau: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.
  • Tam Tòa Thánh Mẫu gồm có: Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên (ngồi chính giữa, màu áo đỏ), Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn ( bên trái trong màu áo xanh) và Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ (bên phải trong màu áo trắng).
  • Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian về Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi) thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Đền thờ Mẫu Thượng Thiên có ở khắp nơi nhưng nhiều và lớn nhất vẫn là ở những nơi Mẫu giáng trần hoặc hiển linh, lưu dấu tích. Ngày hội chính của Mẫu được biết đến là ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Đệ Nhất thường tọa ở chính giữa trong màu áo đỏ.
  • Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở nhiều nơi nhưng hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn). Nơi nào có rừng, có núi, nơi đó có đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Ngày hội chính của Đệ Nhị Thánh Mẫu là 20/09 âm lịch hàng năm. Trên ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, bà ngồi bên tay trái Mẫu Thượng Thiên và mặc áo màu xanh.
  • Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước. Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Đền thờ Mẫu Thoải được dựng nhiều, hầu hết do lòng thành kính của nhân dân và ở nơi cửa sông, cửa biển chứ không có dấu tích nào của Mẫu vì bà không giáng phàm. Ngày hội chính của Mẫu thoải là ngày 10/06 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức long trọng nhất là tại Đền Mẫu Thác Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Vị trí của bà trong Tam Tòa Thánh Mẫu là bên tay phải của Mẫu Thần Chủ – Đệ Nhất và mặc áo màu trắng.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau quanh các ngôi vị trong Tam Tòa Thánh Mẫu.

hình ảnh tam tòa thánh mẫu
hình ảnh tam tòa thánh mẫu

Có tài liệu cho rằng, Tam Tòa Thánh Mẫu thực chất chỉ là ba lần hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh khi giáng trần hay nói cách khác, Mẫu Liễu đã hóa thân vào cả ba Thiên là Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thoải Phủ.

  • Trong Tam Tòa Thánh Mẫu không có sự xuất hiện của Mẫu Địa bởi có người cho rằng, nếu theo giả thuyết “Thiên – địa đồng quy” (Đất trời là một) thì Mẫu Thượng Thiên là cai quản cả địa phủ. Lại có giả thuyết khác, cho rằng Mẫu Địa cũng chính là Mẫu Thượng Ngàn bởi miền Rừng cũng thuộc miền Đất.
  • Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nói riêng, người ta thường biết tới bốn vị Thánh Mẫu ngự trên ban thờ là Thánh Mẫu Cửu Trùng, Thánh Mẫu Thần Chủ (Mẫu Liễu Hạnh), Thánh Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Ở một số nơi, người ta thờ Mẫu Cửu Trùng ở chính ban, nhưng cũng lại có những nơi thờ bà ở ngoài trời cho thập phương bái vọng.

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên chính là Mẫu Liễu Hạnh. Bà vốn là con vua Ngọc Hoàng có tên là Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa với 3 lần giáng sinh xuống cõi trần

  • Lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định. Bà có tên Phạm Tiên Nga và hưởng thọ 40 tuổi
  • Lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Bà kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời
  • Lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên

Lần giáng sinh lần thứ nhất

  • Vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam; có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định).
  • Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.
  • Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.
  • Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), cha của nàng qua đời. Hai năm sau mẹ của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, ở đây có đền thờ cha và mẹ của Phạm Tiên Nga).
  • Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi).
  • Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dầy với Phủ Quảng Cung).
  • Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dạy dỗ con em nhà nghèo được học hành.
  • Năm 36 tuổi, bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ cha và mẹ.
    Sau đó hai năm, bà tới tu sửa chùa Sơn Trường – Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn – Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn xá – Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn xá, Bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.
  • Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy, Bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế (nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó Bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái.
  • Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, Bà đã hoá thần về trời. Năm đó Bà vừa tròn 40 tuổi.
  • Các đền phủ liên quan đến lần giáng sinh thứ hai: Ngay sau khi bà mất, nhân dân xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Đại La Tiên Từ, Đồng thời quê mẹ của Bà là xã Vỉ Nhuế cũng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của bà, gọi là Phủ Quảng Cung.

Lần giáng sinh thứ hai

  • Vì thương nhớ cha mẹ và quê hương ở cõi trần mà đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), bà lại giáng sinh lần thứ hai làm con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc tại thôn An Hải, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, hạt Sơn Nam Hạ (nay là Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định, cách quê cũ Vị Nhuế chừng 7 km). Do ông Lê Thái Công nhìn mặt con, thấy nét mặt giống nàng tiên nữ bưng khay rượu trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng mà ông mơ trước đó nên đặt tên cho con là Lê Giáng Tiên.
  • Lần này, Bà kết duyên với ông Trần Đào Lang, sinh được một người con trai, tên là Nhân, một con gái tên là Hoà. Giữa lúc cả gia đình đang đầm ấm vui vẻ thì bỗng nhiên. Bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Năm ấy, Bà mới 21 tuổi, tuyệt nhiên không bệnh tật gì. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dầy, thôn Thiên Hương – Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.
  • Giáng Tiên về trời đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên nàng muốn xuống trần gian lần nữa. Khi về đến nhà vừa đúng lúc gia đình đang làm giỗ mãn tang cho nàng, mọi người đều hết sức ngạc nhiên và vô cùng sung sướng. Nàng ôm lấy mẹ mà khóc, rồi kể hết sự tình, dặn anh hãy gắng lo chăm sóc cha mẹ, vì lần này xuống trần nàng không thể ăn ở như lần trước, rồi trở về nhà chồng. Liễu Hạnh gặp chồng, con cái mừng mừng tủi tủi. Nàng cũng kể rõ mọi chuyện cho chồng biết, khuyên chồng hãy cố gắng luyện chí, yên tâm theo đuổi sự nghiệp công danh, đừng quên chăm sóc con thơ, phụng dưỡng cha mẹ. Nàng quét dọn, sửa sang nhà cửa, may vá quần áo cho chồng cho con, rồi bỗng chốc lại thoắt biến lên mây… Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.
  • Các đền phủ liên quan đến lần giáng sinh thứ hai: Nguy nga nhất là quần thể Phủ Dày với các đền phủ chính là: Phủ Công Đồng, Phủ chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng, Phủ Giáp Ba, Phủ Tổ, Đền Khởi Thánh và Lăng Mẫu….

Lần giáng sinh thứ 3

  • Vì tình nghĩa thuỷ chung với chồng con ở trần thế nên đến thời Lê Khánh Đức thứ 2 (1650), bà vân du đến làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai tên là Cổn. Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Năm ấy bà vừa 18 tuổi. Đền thờ bà ở Phủ Tây Mỗ, thôn Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hoá.
  • Các đền phủ liên quan đến lần giáng sinh thứ ba: Đền Đồi Ngang thờ Cậu bé Đồi Ngang là con trai của Mẫu (có tên thật là Thanh Cổn) trong lần giáng sinh lần thứ 3, Đền mẫu Sòng Sơn, Thanh Hóa.

Các thánh tích của Mẫu Liễu Hạnh

Mẫu Liễu Hạnh đã để lại nhiều thánh tích trên dương gian. Dưới đây, xin tóm tắt một số thánh tích của Mẫu:

Thánh tích về trận chiến Đèo Ngang

  • Thời vua Lê Thái Tổ (1385-1433) trị vì. Lần ấy, Tiên Chúa đang hóa phép thành cô gái, mở quán bán cho khách bộ hành ở chân đèo Ngang (Quảng Bình). Lời đồn đại về một cô gái nhan sắc tuyệt vời bỗng đâu xuất hiện ở nơi đèo heo hút gió, làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên. Rồi chỗ nào cũng thấy thì thào bàn tán. Chẳng mấy chốc, lời đồn đại cũng tới tận kinh đô đến tai hoàng tử sắp kế nghiệp. Hoàng tử con vua sắp kế nghiệp, vốn là một chàng trai lười biếng học hành nhưng lại ham chơi bời phóng túng đã tìm đến tiên chúa để gạ gẫm. Hoàng tử đã bị Tiên Chúa làm thành một kẻ ngẩn ngơ, điên điên dại dại. Cả hoàng triều bối rối, lo sợ. Tìm thầy tìm thuốc có đến cả tháng mà bệnh tình hoàng tử vẫn không thuyên giảm. Nhà vua nhờ sự giúp đỡ của tám vị Kim Cương đã lừa bắt được Tiên Chúa. Họ đưa Tiên Chúa về kinh để hỏi tội. Sau khi nghe Tiên Chúa kể lại hành vi của Hoàng tử, Nhà vua đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nói lời cảm tạ rồi chúc Tiên Chúa lên đường may mắn.

Thánh tích về gặp gỡ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

  • Tương truyền, Phùng Khắc Khoan đã gặp Liễu Hạnh công chúa cả thảy hai lần, và đều có xướng họa thơ: một lần gặp ở chùa Thiên Minh (Lạng Sơn) khi ông đi sứ về, một lần ở Hồ Tây (nay thuộc Hà Nội) khi ông cùng với hai bạn họ Ngô và họ Lý đi chơi thuyền.
  • Lần ở Hồ Tây, người tiên kẻ tục bèn làm thơ xướng họa liên ngâm, sau được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chép trong truyện “Vân Cát thần nữ” ở tập Truyền kỳ Tân Phả của bà.
  • Liên quan đến thánh tích này là Đền Mẫu Đồng Đăng và Phủ Tây Hồ.

Thánh tích về sự giúp đỡ vua Quang Trung

  • Khi vua Quang Trung kéo quân ra bắc, Mẫu Liễu đã hóa thành một bà già dâng cháo cho quân Tây Sơn và độ cho cuộc chiến của vua Quang Trung thắng lợi ròn giã tại thành Thăng Long, giải phóng đất nước. Liên quan đến thánh tích này là đền Dâu, đền Quán Cháo

Thánh tích về việc Mẫu Liễu Hạnh quy y nhà Phật

  • Sau khi hóa về trời,do vẫn còn tâm nguyên giúp đời nên Tiên Chúa khẩn thiết xin Ngọc Hoàng Thượng đế cho trở lại cõi trần gian. Ngọc Hoàng Thượng đế lắng nghe và hiểu rõ tất cả. Ngài cho gọi hai thị nữ tin cậy là Quỳnh Hoa và Quế Hoa bảo cùng đi với Tiên Chúa.
  • Lần này Tiên Chúa xuống Phố Cát, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá. Ở đây, cũng như những lần trước Tiên Chúa thường hiển linh giúp đỡ người lành, trừng trị kẻ ác. Nhân dân cùng nhau góp của góp công, dựng một ngôi đền để lấy chỗ phụng thờ Tiên Chúa.
  • Những sự việc ấy lọt đến tai vua Lê chúa Trịnh. Hai vị vua chúa cho rằng trước kia tiên vương thả “yêu nữ” ra là một sai lầm, bây giờ đã đến lúc cần phải thẳng tay trừng trị. Bởi vì không thể có luật lệ nào khác ngoài luật lệ của vua chúa và ai muốn làm gì cũng không được tự quyền. Thế là hai vị cho triệu hồi các thuật sĩ tài giỏi trong nước đến kinh đô trong đó có Tiền Quân Thánh (vốn là tướng nhà trời, do mắc lỗi, đã bị đày xuống trần làm con trai thứ ba của một vị thượng sư, sư tổ của phái Nội đạo tràng), giao cho dẫn một một đội quân hùng mạnh, đến thẳng miền Phố Cát để đánh dẹp.
  • Biết là không thể chống cự lại được, Tiên Chúa bảo Quỳnh Hoa, Quế Hoa tìm cách trốn đi, còn tự mình cũng hóa phép thành đứa trẻ, rồi lại hóa phép thành con rồng có vẩy vàng vẩy bạc múa lượn trên không.
  • Tiền Quân Thánh lúc ấy ngồi trên voi chín ngà niệm thần chú tung lưới sắt ra chụp lấy. Tiên Chúa bị bắt rồi hiện nguyên hình trở lại.
    Giữa lúc ấy Phật tổ xuất hiện giải cứu cho Tiên Chúa. Khi vừa thấy Phật tổ, Tiền Quân Thánh liền sững lại, thay vì vậy đã sai quân lính mang đến cho Tiên Chúa một bộ quần áo cà sa và một chiếc mũ ni cô. Tiên Chúa nhận áo mũ rồi thoắt biến lên mây cùng với Phật tổ.
  • Có lẽ vì tích này, nên chúng ta thấy Đạo Mẫu và Đạo Phật luôn khăng khít đồng hành với nhau. Có thể nói hầu hết ở đâu thờ Tứ Phủ thì ở đó có thờ Phật và ngược lại.

Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn

  • Mẫu Thượng Ngàn còn gọi là Mẫu Đệ Nhị hay Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn bởi Mẫu đứng thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu.
    Mẫu Thượng Ngàn có rất nhiều tên gọi như: Diệu Tín Thiền sư, Lê Mại Đại Vương, Đông Cuông Công chúa, Lâm Cung Thánh mẫu, Mẫu Đệ nhị Nhạc Phủ, Sơn Tinh công chúa…
  • Mẫu Thượng Ngàn được thờ chủ yếu tại vùng rừng núi. Có thể nói, ở đâu có rừng núi thì ở đó có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Có ba nơi được coi là nơi thờ chính là Bắc Lệ (Lạng Sơn), Suối Mỡ (Bắc Giang) và Đông Cuông (Yên Bái). Tuy vậy, ba nơi này lại lưu giữ những truyền thuyết có phần khác nhau về Mẫu Thượng Ngàn.
  • Trong các ngôi đền thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn như: Đền Đông Cuông, đền Suối Mỡ, Đền Công Đồng Bắc Lệ thì Đền Đông Cuông là nơi Mẫu được vua Lê sắc phong Lê Mại Đại Vương. Nếu đặt trong tương quan so sánh với đền Bắc Lệ và Suối Mỡ thì đền Đông Cuông có vị trí quan trọng nhất, là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn.
  • Căn cứ theo truyền thuyết và các bản văn chầu thì đền Bắc Lệ chính là nơi Lâm Cung Thánh Mẫu hiển linh, âm phù; đền Suối Mỡ là thắng tích lưu lại dấu vết bà tu tiên luyện đạo, còn đền Đông Cuông (Yên Bái) là nơi bà giáng sinh và ngự.

Dưới đây là các thần tích về Mẫu Thượng Ngàn:

Thần tích Mẫu Thượng Ngàn tại đền Suối Mỡ

  • Mẫu Thượng Ngàn được thờ ở Suối Mỡ là Mỵ Nương Quế Hoa công chúa, con của Vua Hùng Định Vương và hoàng hậu An Nương.Theo sự tích khi sinh bà ra, Hoàng Hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên Vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa.
  • Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền.
  • Nàng được tiên ông ban cho phép thuật nên đã cùng 12 thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc.
  • Tại khu du lịch tâm linh Suối Mỡ có 3 ngôi đền đều là nơi thờ của Quế Hoa Công Chúa: Đền Hạ – còn gọi là đền Công Đồng Suối Mỡ, đền Trung và đền Thượng

Thần tích Mẫu Thượng Ngàn ở đền Bắc Lệ

  • Ở đền Bắc Lệ lại lưu truyền câu chuyện Mẫu Thượng ngàn là công chúa La Bình. La Bình Công chúa là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và Mỵ Nương. Tức La Bình là cháu ngoại của Vua Hùng. Lúc còn nhỏ, La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng để dậy dân săn bắn, chăn nuôi, trồng cây, cấy lúa, làm nhà, làm thuốc chữa bệnh… Đó luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc. Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh.
  • Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.

Thần tích Mẫu Thượng Ngàn ở đền Đông Cuông

  • Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” thì ngôi đền Mẫu Đông Cuông ngày nay, trước đây thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh. Đông Quang Công chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản Đông Cuông. Như vậy, Mẫu Thượng Ngàn nơi đây đã được hình tượng hóa bởi một nhân vật có thật trong lịch sử đó là Đông Quang Công Chúa. Nơi đây, bà Lê Thị Kiểm được hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn. Trong niềm tin tâm linh của những con nhanh đệ tử đạo Mẫu thì đền Đông Cuông có vị trí vô cùng quan trọng, được coi là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Thượng ngàn.
  • Đền Đông Cuông còn có tên là Đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Cũng tại nơi đây, vua Lê Thái Tổ đã phong Bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi Bà đã phù cho vua Lê đánh giặc.
  • Như vậy, nếu Mẫu Thượng Ngàn ở Bắc Lệ (Lạng Sơn) là công chúa Quế Hoa, ở Suối Mỡ (Bắc Giang) là Công Chúa La Bình thì ở Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là Lâm Cung Thánh Mâu vừa là bậc tôi tú anh linh, quyền cao tối thượng vừa gần gũi, bình dị trong hình hài một người vợ, người mẹ trần thế có lai lịch, gốc tích rõ ràng.
  • Đền thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn: Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở khắp mọi vùng, nơi nào có rừng núi thì đều có đền Mẫu Thượng. Nhưng nổi tiếng bậc nhất vẫn là cụm di tích Đền Đông Cuông, Đền Vọng Đông và Đền Tuần Quán tại Yên Bái (là nơi Mẫu giáng làm con gái nhà tù trưởng họ Cao). Tiếp nữa có Đền Công Đồng Bắc Lệ và Đền Thất Khê tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, tương truyền là nơi vua Lê Thái Tổ lập để ghi nhớ công ơn Mẫu giúp vua. Ngoài ra còn có Đền Suối Mỡ thuộc Bắc Giang (xưa thuộc Hà Bắc, là nơi dấu tích của Mẫu khi xưa học đạo), Đền Tam Cờ trên tỉnh Tuyên Quang, Đền Mẫu Thượng thuộc thị xã Lào Cai.

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

  • Đệ Tam còn gọi là Mẫu Thoải. Chữ Thoải là đọc chệch của chữ Thủy. Mẫu Thoải tức là Mẫu Thủy hay còn gọi là Thủy Cung Thánh Mẫu. Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn đã ra đời từ rất lâu trước cả Mẫu Liễu Hạnh. Trong Tam Tòa Thánh mẫu, Mẫu Thoải đứng thứ ba.
  • Mẫu Thoải cùng như Mẫu Thượng Ngàn có nhiều thần tích khá khác nhau, không được thống nhất như Mẫu Liễu Hạnh. Dưới đây người viết liệt kê một số truyền thuyết về thân thế của Mẫu Thoải để các bạn tham khảo.

Các truyền thuyết Mẫu Thoải là con gái vua Thủy Tề (Long Vương)

Có hai truyền thuyết Mẫu Thoải xuất thân là con gái của Long Vương:

  • Truyền thuyết từ vùng Thái Bình, Nghệ An: Từ thủa hồng hoang, thời mở mang đất nước, vua Kinh Dương Vương đi chu du khắp nơi. Rồi một ngày kia, nhà vua gặp một người con gái nhan sắc tuyệt trần và đã lấy nàng làm vợ. Nàng chính là con gái của Long Vương. Sau này bà đã sinh ra Sùng Lãm chính là vua Lạc Long Quân. Vì nàng là con gái Long Vương nên được làm nhiệm vụ cai quản vùng sông biển, ao hồ.
  • Truyền thuyết tại vùng Nghệ An cho biết thêm hai người đã gặp nhau bên bờ sông Lam ngày nay, ngày xưa gọi là sông Thanh Long

Truyền thuyết Mẫu Thoải ở đền Dùm – Tuyên Quang; Đền Dầm, Đền Xâm Thị – Thường Tín – Hà Nội: Theo truyền thuyết này thì Mẫu Thoải cũng xuất thân là con gái của Vua Thủy Tề, nhưng không thấy nhắc đến hai vợ chồng sinh ra Lạc Long Quân:

Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà. Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà. Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu hêt sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan.

Theo truyền thuyết này, có lẽ dân gian vẫn nói người con gái gian giảo là “thảo mai” chắc là xuất xứ từ sự gian giảo của nàng Thảo Mai trong câu chuyện này.

Trong văn thỉnh Mẫu Thoải cũng có một đoạn nhắc đến giai thoại này:

  • Thỉnh mời Đệ Tam ThánhTiên
    Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
    Kính Xuyên sớm kết loan phòng
    Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
    Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
    Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
    Lòng trời thương kẻ ngay lành
    Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…

Tại Hà Nội, có Đền Dầm cũng có một thần tích tương tự như vậy. Đây là một ngôi đền thờ Mẫu lâu đời, có đến 28 sắc phong của triều đình phong kiến. Nơi đây, có thể nói là một đền chính của Mẫu Thoải. Ngoài ra, Hà Nội còn có Đền Ghềnh ở Gia Lâm thờ Mẫu Thoải. Tuy nhiên, tại Đền Ghềnh Mẫu Thoải được hóa thân vào Công Chúa Lê Ngọc Hân.

Như vậy, đền chính của Mẫu Thoải là Đền Dầm ở Hà Nội và ba đền tại Tuyên Quang: Đền Ỷ La, Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Hạ. Ba đền này cùng có tích chung về Mãu Thoải.

Truyền thuyết Mẫu Thoải là vợ của Vua Thủy Tề

  • Ở làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Mẫu Thoải được thờ là Thành hoàng và có sắc thượng phong đề “Nhữ Nương Nam nữ Nam Hải Đại Vương”.Theo thần phả của làng: Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề, là Hoàng hậu ở dưới Thủy cung. Vua Thủy Tề trông coi các việc ở biển, còn Mẫu trông coi các việc ở sông, suối. Do sông suối có ở khắp nơi nên Mẫu cũng có mặt ở khắp nơi, nhất là tại các bến sông lớn.

Truyền thuyết Mẫu Thoải là hóa thân của 3 công chúa của Lạc Long Quân và Âu Cơ

  • Theo thuyết này, Lạc Long Quân đã giao cho 3 công chúa cai quản sông biển nước nam là:Thủy tinh Động đình Ngọc nữ Công chúa, Hoàng Bà Đoan khiết Phu nhân và Tam giang Công chúa. Ba bà đóng dinh cơ ở sông Nguyệt Đức và có nhiệm vụ coi sóc các sông nước, luồng lạch, dạy dân chế tạo thuyền bè và đan các thứ lưới bắt cá, chế ngự các vị thần mưa, thần gió mỗi khi các vị này xâm hại đến hạ giới. Các Mẫu còn làm mưa và giúp dân chống lụt.
  • Bình luận thêm của người viết: Truyền thuyết Mẫu thoải là Công chúa của Vua Thủy Tề được lưu truyền rộng rãi khắp nước hơn, còn truyền thuyết Mẫu Thoải là hoàng hậu thì chỉ giới hạn ở một làng. Truyền thuyết Mẫu Thoải là hóa thân của 3 công chúa của Lạc Long Quân không phải là thuyết thuyết phục lắm bởi cai quản sông biển ao hồ là của Hoàng cung Thủy Tề
  • Nếu vậy, truyền thuyết về Mẫu Thoải là con gái của Vua Thủy Tề (Long Vương) có lẽ hợp với tục thờ Mẹ Sông Nước trong tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam từ muôn đời nay sẽ được coi là truyền thuyết chính của Mẫu Thoải.
  • Các đền thờ chính: Đền Thượng Tuyên Quang; Đền Hạ Tuyên Quang; Đền Ỷ La Tuyên Quang được coi là nơi phát tích của Mẫu Thoải; Đền Dầm , Đền Xâm Thị- Thường Tín, Hà Nội gắn với thánh tích Mẫu Thoải linh phù cho vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên. Đền Mẫu Thác Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa gắn với thánh tích Mẫu Thoải linh phù cho vua Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh. Đền Mẫu Thoải Lạng Sơn gắn với các thánh tích Mẫu Thoải giúp các triều đại chống quân phương bắc xâm lược

Theo phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam lễ cúng Tam Tòa Thánh Mẫu vô cùng quan trọng. Việc thực hiện lễ cúng Tam Tòa Thánh Mẫu là phong tục mà hầu hết người dân Việt Nam nào cũng phải thực hiện ít nhất 1 lần trong đời. Tâm nguyện cầu xin may mắn, sức khoẻ, công danh… Hãy cùng https://datxoiche.com tìm hiểu Văn khấn bài cúng lễ Tam Tòa Thánh Mẫu đúng chuẩn truyền thống dân tộc.

Ý nghĩa lễ Tam Tòa Thánh Mẫu

  • Các vị thần linh, Thành Hoàng, Thánh Mẫu là các bậc tiền nhân đã có công với cộng đồng làng xã, dân tộc trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của người Việt Nam.
  • Ngày nay, theo nếp xưa người Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước hàng năm vẫn xem ngày đi lễ, đi trẩy Hội ở các Đình, Đền, Miếu, Phủ vào các ngày lễ, tết, tuần tiết, sóc, vọng và ngày Hội, để tỏ lòng tôn kinh, ngưỡng mộ biết ơn các bậc Tôn thần đã có công với đất nước.
  • Đình, Đền, Miếu, Phủ cùng với sự lưu truyền sự linh diệu của các thần trong nhiều trường hợp đã đi vào trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam góp phần không nhỏ vào việc duy trì tình cảm yêu nước. Nơi thờ tự Đình, Đền, Miếu, Phủ còn là những nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng. Con người hy vọng rằng bằng những hành vi tín ngưỡng, có thể cầu viện đấng Thần linh phù hộ cho bản thân, cùng gia đình, cộng đồng được an khang, thành đạt và thịnh vượng, yên bình, biến hung thành cát, giải trừ tội lỗi…

Lễ vật và cách cúng lễ Tam Tòa Thánh Mẫu

Theo phong tục cổ truyền khi đến Đình, Đền, Miếu, Phủ nên có lễ vật có thể to, nhỏ, nhiều, ít, sang, mọn tuỳ tâm. Mặc dù ở những nơi này thờ Thánh, Thần, Mẫu nhưng người ta vẫn có thể sắm các lễ chay như hương hoa quả, oản,… để dâng cũng được.

  • Lễ Chay: Gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản… dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát (nếu có). Lễ chay cũng dùng để dâng ban Thánh Mẫu.
  • Lễ Mặn: Nếu Quý vị có quan điểm phải dùng mặn thì chúng tôi khuyên mua đồ chay hình tướng gà, lợn, giò, chả.
  • Lễ đồ sống: Tuyệt đối không dùng các đồ lễ sống gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt tại các ban quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ.
  • Cỗ sơn trang: Gồm những đồ đặc sản chay Việt Nam: Không được dùng cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả… Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này.
  • Lễ ban thờ cô, thờ cậu: Thường gồm oản, quả, hương hoa, gương, lược… Nghĩa là những đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Nhưng lễ vật này cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ xinh xắn, đẹp mắt.
  • Lễ thần Thành Hoàng, Thư điền: Phải dùng chay mới có phúc và những lời cầu nguyện được linh ứng.

Hạ lễ sau khi lễ Tam Tòa Thánh Mẫu

  • Sau khi kết thúc khấn, lễ ở các ban thờ, thì trong khi đợi hết một tuần nhang có thể viếng thăm phong cảnh nơi thừa tự, thờ tự.
  • Khi thắp hết một tuần nhang có thể thắp thêm một tuần nhang nữa. Thắp nhang xong, vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ sớ đem ra nơi hoá vàng để hoá.
  • Hoá sớ xong mới hạ lễ dâng cúng khác. Khi hạ lễ thì hạ từ ban ngoài cùng vào đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở bàn thờ Cô, thờ Cậu như gương, lược… thì để nguyên trên bàn thờ hoặc giả nơi đặt bàn thờ này có nơi để riêng thì nên gom vào đó mà không đem về.

Văn khấn bài cúng lễ Tam Tòa Thánh Mẫu

  • Nam mô A Di Đà Phật !
    Nam mô A Di Đà Phật !
    Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)
    – Con kính lạy Đức Hiệu Thiên chí tôn kim quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế.
    – Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
    – Con xin kính Cửu trùng Thanh Vân lục cung công chúa.
    – Con kính lạy Đức thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng Công chúa, sắc phong Chế Thắng Hoà Diệu đại vương, gia phong Tiên Hương Thánh Mấu.
    – Con kính lạy Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương.
    – Con kính lạy Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vi chầu bà, năm tòa quan lớn, mười dinh các quan, mười hai Tiên cô, mười hai Thánh cậu, ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch xà đại tướng.
    Hưởng tử (chúng) con là: ……………
    Ngụ tại: …………….
    Hôm nay là ngày ……. tháng …… năm ……
    Hương tử con đến nơi Điện (Phủ, Đền) ……… chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái, lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin các Ngài xót thương phù hộ độ trì cho gia chung chúng con sức khỏe dồi dào, phúc thọ khang ninh, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.
    Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
    Nam mô A Di Đà Phật !
    Nam mô A Di Đà Phật !
    Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm Văn khấn bài cúng lễ Tam Tòa Thánh Mẫu